GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Trung Tâm Nhân Đạo Hộ Pháp

Cập nhật lúc 13:39:36 13-12-2023 (GMT+7) Lượt xem:103

Lễ tưởng niệm 715 ngày đức Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch

Vào lúc 8h sáng ngày 13/12/2023 Nhằm ngày 01/1 Quý Mão) Thường trực BTS GHPGVN tỉnh đã trang nghiêm tổ chức Đại lễ tưởng niệm 715 ngày đức Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch tại Hội trường BTS đặt tại chùa Từ Quang số 102 đường Hạ Long Tp. Vũng Tàu.

 

Về tham dự lễ có HT. Thích Giác Tùng, HT. Thích Như Thị, thành viên HĐCM Trung ương GHPGVN; HT Thích Trí Châu, HT. Thích Trừng Diệu, HT. Thích Nhuận Hải thành viên Ban Chứng Minh GHPGVN tỉnh; HT Thích Huệ Trí, Phó Chủ tịch HĐTS -Trưởng ban BTS GHPGVN tỉnh BR-VT; TT. Thích Nhuận Nghĩa – UV HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực; TT. Thích Thiện Thuận – UV dự khuyết HĐTS, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư ký cùng Chư tôn thiền đức Tăng Ni thành viên BTS GHPGVN tỉnh.

Buổi lễ cũng hân hạnh đón tiếp ông Trần Quốc Nam, Phó Trưởng phòng An ninh đối nội công an tỉnh; Bà Phạm Thị Mỹ Linh, Phó Trưởng phòng Nội vụ Tp. Vũng Tàu; Ông Nguyễn Tiến Nghị, Phó Trưởng Công an Tp. Vũng Tàu cùng cán bộ đại diện Đảng Uỷ – HĐND – UBND – UBMTTQVN phường 2 Tp. Vũng Tàu về tham dự.

Sau phần tuyên bố lý do của TT. Thích Thiện Thông, Phó Thư ký – Chánh Văn phòng BTS tỉnh, TT. Thích Nhuận Nghĩa đã thay mặt Ban Tổ chức đã cung tuyên tiểu sử của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và là vị Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Tiểu sử ghi rõ: “Về Phật pháp, Ngài theo học đạo với Tuệ Trung Thượng sĩ, và được Thượng sĩ hết lòng hướng dẫn, trao truyền những yếu nghĩa thiền tông. Ngài đã ngộ ra chân lý đạo màu khi đọc lời dạy: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (dịch nghĩa là: Quan sát lại chính mình đó là bổn phận, không do người khác làm được). Ngài tôn thờ Tuệ Trung Thượng sĩ làm thầy, và thường tới chùa Tư Phúc trong kinh thành Thăng Long để tụng kinh, tọa thiền, sám lễ Tam bảo, thấu đạt cả nội điển và ngoại điển.

Năm Mậu Dần – 1278, khi vừa tròn 20 tuổi, Hoàng Thái tử Khâm được Vua Trần Thánh Tông truyền ngôi xưng là Hoàng đế, hiệu là Hiếu Hoàng. Năm sau, 1279 Đức vua Trần Nhân Tông đổi niên hiệu là Thiệu Bảo. Kế tục sự nghiệp của các Tiên đế nhà Trần, Đức vua đã thi hành nhiều chính sách khoan hòa, thân dân, lấy đức mà trị vì Đại Việt, chăm lo cho dân chúng, xây dựng quốc gia hòa bình, thịnh trị.

Năm 1299, Ngài từ hành cung Vũ Lâm trở về kinh thành Thăng Long, rồi thẳng tiến lên núi Yên Tử (nay thuộc Uông Bí, Quảng Ninh), tinh cần tu hạnh đầu đà lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài đã thống nhất ba dòng thiền: Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, Vô Ngôn Thông, và Thảo Đường thành lập lên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng nhập thế “Cư trần lạc Đạo”, “Hòa quang đồng trần” là dòng thiền mang bản sắc riêng của Đại Việt. Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử được gìn giữ và lưu truyền qua các thời đại, các thế hệ Phật giáo Việt Nam mà ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa tinh hoa nhập thế đồng hành cùng dân tộc…”

Hoà thượng Thích Giác Tùng,thay mặt HĐCM Trung ương GHPGVN đã dâng lời tưởng niệm của Phật giáo Việt Nam lên Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông

Sau phần cung tuyên tiểu sử, Chư tôn thiền đức đã đối trước Giác linh đài đức Phật hoàng dâng hương tưởng niệm.

Sau nghi thức dâng hương, TT. Giác Trí, Uỷ viên HĐTS, Phó Trưởng ban BTS tỉnh đã đại diện Thường trực BTS tỉnh phát biểu cảm tạ đến các vị lãnh đạo Chính quyền và đại biểu đã luôn nhớ đến vị vua anh minh – lỗi lạc, người chủ trì Hội nghị Bình Than nơi hội tụ 4 con sông: Thiên Đức, Nguyệt Đức, Nhật Đức và sông Minh Đức (vùng Hải Dương bây giờ) và 2 lần chiến thắng giặc Nguyên – Mông vào các năm 1285 và 1288.

Buổi Lễ tưởng niệm kết thúc lúc 9h30 cùng ngày.

Quảng Chuyên
phatgiaobariavungtau.org.vn

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu