GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Trung Tâm Nhân Đạo Hộ Pháp

Cập nhật lúc 05:37:22 18-06-2023 (GMT+7) Lượt xem:377

VĂN TÁC BẠCH TƯỞNG NIỆM LẦN THỨ 24 CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG thượng TRÍ hạ THÀNH hiệu KHẾ HỘI

VĂN TÁC BẠCH TƯỞNG NIỆM LẦN THỨ 24 CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG thượng TRÍ hạ THÀNH hiệu KHẾ HỘI – NGUYÊN THÀNH VIÊN HĐCM – UV. HĐTS GHPGVN, NGUYÊN TRƯỞNG BAN TRỊ SỰ PHẬT GIÁO TỈNH PHÚ YÊN, TRỤ TRÌ TỔ ĐÌNH SẮC TỨ BÁT NHÃ PHÚ YÊN (1921-1999)

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

 Ngưỡng bái bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng Tọa, chư Đại đức Tăng; quý Ni trưởng, quý Ni sư, chư Tôn Đại đức Ni!

Hôm nay, trong khung cảnh trang nghiêm, nơi Tổ đình Hộ Pháp, với tôn dung từ ái của chư Tôn tịnh đức Tăng già sau những ngày kiết giới an cư, tịnh tu tam vô lậu học, hàng đệ tử môn nhơn pháp quyến chúng con có duyên sự đầu thành đảnh lễ kính dâng lên lời tác bạch.        (1 lạy)

Nam mô A Di Đà Phật!

Kính bạch chư tôn đức Giáo phẩm!

Kính thưa chư tôn đức Tăng Ni

Sáng hôm nay, tại Tổ đình Hộ Pháp, với khung cảnh trang nghiêm với niềm hoan hỷ vô biên, chúng con được cung đón Chư Tôn Hòa Thượng HĐCM-HĐTS Trung ương GHPGVN, chư Tôn Hòa thượng Chứng minh BTS PG tỉnh BR-VT, Ban Thường trực BTS PG tỉnh, Chư Tôn Thiền đức Tăng Ni. Trong giờ phút này đây, chúng con phụng mạng Bổn sư là Hòa thượng thượng Quảng hạ Hiển, viện chủ Tổ đình Hộ Pháp và Tổ đình Đại Tòng Lâm, xin được thay mặt cho hàng đệ tử môn đồ Pháp quyến đê đầu bái tạ niệm ân chư Tôn thiền đức đã hoan hỷ nhận lời thỉnh cầu của chúng con, mà chấn tích quang lâm về Tổ đình Hộ Pháp để chứng minh Lễ Tưởng Niệm Tôn sư, với ân đức vô lượng vô biên đó, chúng con không thể dùng ngôn từ nào để diễn tả cho hết được.

Kính bạch chư tôn thiền đức!

Giờ đây, trước nhất cho phép chúng con có dòng sơ lược về hành trạng của Tôn sư chúng con:

Ngài là Hòa thượng Thích Khế Hội, pháp danh Nguyên Chơn, tự Thiện Minh, hiệu Trí Thành; húy Khế Hội, sinh năm Tân Dậu 1921, tại làng Triều Sơn, xã Xuân Thọ, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, Ngài họ Nguyễn, thân phụ là cụ Nguyễn Văn Chốn, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Chữ. Song thân Ngài đều thâm tín Phật pháp, hai cụ có 7 người con, Ngài là con thứ 7 trong gia đình; tư chất thông minh, hiếu học.

Nhờ truyền thống tín ngưỡng Phật đạo trong gia đình, và nhờ Hòa thượng Phúc Hộ, một vị danh Tăng của đất Phú Yên, cũng là cậu ruột của Ngài, đã khuyến tấn hướng dẫn Ngài sơ phát tâm xuất gia từ năm 10 tuổi (1931), tại Tổ đình Sắc Tứ Phước Sơn, Đồng Tròn, Phú Yên.

Sau đó, Ngài đắc duyên thọ học với Hòa thượng húy Tâm Đạo hiệu Từ Nhãn, trụ trì Tổ đình Sắc tứ Bát Nhã tại thôn Phú Mỹ, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, được Hòa thượng thâu làm đệ tử.

Năm 13 tuổi, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho ra Thuận Hóa tham học tại Phật học đường Báo Quốc kinh đô Huế.

Suốt mười năm miệt mài đèn sách, Ngài đã thâm nhập giáo điển cơ bản từ khóa tu học và tốt nghiệp Đại học Phật giáo tại Tổ đình Báo Quốc, Huế năm 1944. Vừa tròn 24 tuổi, Ngài đã phải ra trường vì nhu cầu cấp bách cho Phật sự. Hòa thượng Bổn sư chỉ có một mình Ngài là đệ tử xuất gia, nên Ngài phải từ giã mái trường Báo Quốc, để trở về lo báo ân Thầy Tổ.

Năm Đinh Hợi 1947, Ngài thọ tam đàn Cụ túc giới nơi Đại giới đàn tổ chức tại chùa Bảo Sơn, Đồng Tre thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, do cố Hòa thượng Thích Vạn Ân, trụ trì chùa Hương Tích, xã Hòa Mỹ, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, làm đàn đầu truyền giới.

Ngài đã trưởng thành trong bối cảnh Phật giáo cả nước đang trong thời kỳ chấn hưng và quốc dân đang vùng lên giành độc lập thống nhất giang sơn từ tay người Pháp thống trị. Hội Phật giáo Cứu quốc Phú Yên được thành lập và Ngài được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phật Giáo Cứu Quốc tỉnh Phú Yên.

Năm Bính Tuất 1946, Hòa thượng Chủ tịch Thích Hưng Từ xin thôi chức vụ chủ tịch hội  vì lý do sức khỏe, Ngài được cử lên thay, điều hành công tác Phật sự cho đến khi Hiệp định Genève được ký.

Sau năm 1954, phong trào chấn hưng Phật giáo lại được tiếp nối mạnh mẽ khắp Trung Nam. Giáo hội Phật giáo Trung Phần ra đời, Phật giáo Phú Yên là một thành viên trong tổ chức này, và Ngài là một trong nhiều tu sĩ trí thức trẻ của đất Phú Yên được giao phó nhiều trọng trách.

Song song với việc đối phó chế độ kỳ thị tôn giáo, độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, cũng như Đạo Dụ số 10… Ngài đã chuẩn bị nhân sự kế thừa cho tương lai Phật giáo Phú Yên bằng các phương án :

– 1. Mở rộng việc tiếp Tăng độ chúng để có đội ngũ kế thừa.

– 2. Mở trường Bồ Đề để giáo dưỡng con em Phật tử, tài bồi nhân sự để tích cực hộ trì chánh pháp sau này.

– 3. Mở Phật học viện, gởi Tăng Ni Phú Yên đến các trường Phật học để được đào tạo. Kết quả hôm nay nhiều vị đã thành đạt và đang giữ nhiều trọng trách chủ chốt trong Giáo hội.

Cuối năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, cuộc đấu tranh của Phật giáo thành công, dẫn đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập từ năm 1964. Ngài được Đại hội đại biểu Phật giáo Phú Yên suy tôn làm Chánh đại diện Phật giáo Tỉnh hội.

Năm Tân Dậu 1981, tất cả 9 giáo phái, hệ phái Phật giáo cả nước họp tại chùa Quán sứ, thủ đô Hà Nội đồng lòng thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài được bầu làm Thành viên trong Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội.

Năm Nhâm Tuất 1982, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Khánh ra đời, Ngài là một trong bốn vị Phó Trưởng ban Trị sự phụ trách Phật giáo cánh Bắc (Phú Yên ngày nay).

Sau khi tách tỉnh, tháng 7 năm 1989, từ nhiệm kỳ đầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Yên được thành lập 1991, Ngài được Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Phú Yên suy cử Ngài làm Trưởng ban Trị sự tỉnh cho đến ngày viên tịch.

Với chức vụ đứng đầu Phật giáo tỉnh Phú Yên, Ngài được lãnh đạo chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên bầu vào Hội đồng nhân dân tỉnh khóa II và là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên suốt 3 nhiệm kỳ (từ khóa V, VI, VII).

Trong cuộc đời hoằng pháp độ sanh, Ngài đã truyền cao ngọn đuốc chánh pháp của riêng mình cho hơn 20 vị đệ tử : Trưởng tử là Hòa thượng Thích Quảng Hiển, tiếp theo các HT. Quảng Phát, HT. Quảng Giải, Quảng Đàm, Quảng Mẫn, Quảng Niệm, Quảng Định, Quảng Tánh… tùy duyên phổ hóa trải dài từ vùng đất Phú Yên tới thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Thuận V.v… Và trùng tu, xây dựng những ngôi già lam: Bảo Tịnh, Bát Nhã, Từ Quang… thành nơi cảnh trí trang nghiêm, cơ ngơi kỳ vĩ.

Vào ngày 14 tháng 6 năm 1999, tức mùng 1 tháng 5 năm Kỷ Mão, hóa duyên đã mãn, Ngài thâu thần thị tịch, với 78 năm trụ thế và 52 Hạ lạp.

Trên 40 năm tận tụy phục vụ đạo pháp – nhân sinh, khơi thông mạng mạch, thắp sáng nguồn thiền, công đức của Đại lão Hòa thượng thật mênh mông rộng lớn, làm rạng danh Phật giáo Phú Yên cho đương thời và hậu thế.

Kính Bạch Chư Tôn Thiền đức!

Từ ngày Bổn sư, Sư ông của chúng con quảy dép về Tây, Hoàng Hạc Tòng Lâm, đã cao bay vào cõi tịch tịnh, Tông môn tứ chúng ngày dài ngưỡng vọng, Thiền thất Tổ đình Sắc Tứ Bát Nhã vắng bóng Tôn sư thắm thoáng đã 24 năm mùa mưa, nắng trên dãi đất miền Trung.

Hôm nay, chúng con hàng con cháu sư ông ở tại miền Nam đồng trở về Tổ đình Hộ Pháp này, xin được tổ chức ngày tưởng niệm lần thứ 24 của Tôn sư đã lìa nhục thân, qui hồi Phật quốc.

Thầy Tổ chúng con đã vun trồng giống Thích Tử, hoằng truyền đạo Pháp, tiếp dẫn hậu lai, ban rãi ánh sáng từ quang của đạo nhiệm mầu nơi nơi chốn chốn. Ngày nay, đệ tử môn nhơn Pháp quyến chúng con là hàng đệ tử, là hàng cháu được trượng thừa công đức của Thầy Tổ mà tin tấn tu hành theo hạnh nguyện Tổ sư thuộc dòng thiền phái Lâm Tế Liễu Quán, mà gặp nhiều thuận duyên trên bước đường hành đạo. Người ở lại Miền Trung duy trì chốn Tổ Phú Yên, người vào Nam theo dấu chân xưa của Thiền sư Bảo Tạng mà hành đạo ở đất Bà Rịa-Vũng Tàu.

Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Ni hiện tiền,

Chúng con được nghe Tổ Quy Sơn đã dạy: Sinh ra ta tạo cho ta nên vóc hình, ấy là công ơn của cha mẹ; còn sinh ra giới thân huệ mạng, biết đi theo lẽ phải đường ngay, tránh ác làm lành, giải thoát sinh tử đó là công đức của Thầy Tổ, Bổn sư, giáo thọ A Xà Lê mà nên, ơn tế độ một đời nên thân huệ mạng, rõ đạo màu trí huệ tâm khai. Công đức ấy sánh bằng non Thái và từ nay đến mãi ngàn sau muôn kiếp khó đáp đền.

Với tinh thần giới đức trang nghiêm, thanh tịnh, thân giáo, khẩu giáo, ý giáo thâm nghiêm, vì thế khi Ngài đến nơi nào, đạo pháp đều hưng thịnh, từng lớp Tăng Ni trở thành pháp khí Đại thừa, là Trưởng tử của Như Lai, Thánh chủng thiệu long; khuyến hóa Tăng Ni, Phật tử tiến tu giải thoát, lợi lạc hữu tình, tốt Đạo đẹp Đời, đã không ngừng đóng góp cho ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú yên ở thế kỷ trước.

Trong ý nghĩa trang nghiêm ngôi Tam Bảo, là trang nghiêm Tịnh độ tại nhân gian, trước khi viên tịch, Ngài đã cùng đệ tử xuất gia và tại gia quyết chí trùng tu ngôi phạm vũ Tổ đình Sắc Tứ Bát Nhã thành một danh lam thắng cảnh trên đỉnh núi Long Sơn nơi tổ Giác Ngộ sáng lập vào niên hiệu Minh Mạng 1840.

Kế thừa sự nghiệp tổ sư, mà Bổn sư, cũng là sư Ông của chúng con hằng ngày với chiếc xe 2 cầu từ Tổ đình Sắc Tứ Bát Nhã vào Chùa Bảo Tịnh (Tỉnh Hội), chạy xe ra vào làm việc không biết mỏi mệt. Chính vì thế, mà Phật giáo tỉnh Phú Yên ngày càng phát triển vững mạnh, trang nghiêm trong lòng dân tộc thời bấy giờ.

Nào ngờ đâu, đến thượng tuần tháng 5 năm Kỷ Mão (1999), khí trời mát dịu, núi Long Sơn ảm đạm, rừng thiền rủ rượi màu tang, đầm Ô Loan sóng bổng dưng ngừng đập, lý vô thường không hẹn cùng ai, sớm còn tối mất, trần gian là cõi tạm, thân tứ đại trả về với tứ đại, nhớ khi xưa chốn song lâm Thế Tôn còn hiện tướng Niết Bàn, nay mãn nguyện ta bà, Hòa thượng thu thần về cõi Phật.

Quả thật:

“Ta Bà quả mãn về cõi Phật

Niết Bàn tự tại giữ nguyện xưa

Huyễn thân nay đã đâu còn nữa

Tứ chúng, môn đồ mãi nhớ thương”

Hạnh nguyện của Bổn Sư, là Sư Ông là tuyệt diệu, như cánh nhạn giữa trời không, như bóng trăng in đáy nước. Song, sự ra đi vĩnh viễn của thầy của Sư ông, chúng con không làm sao tránh khỏi sự bùi ngùi, luyến tiếc. Mặc dù, biết thế gian là vô thường huyễn mộng, đã có sanh thì phải có tử, có tụ hội thì có ngày phải phân ly, đó là định luật chung của tạo hóa, nhưng môn đồ Pháp quyến trong thời gian xa cách vĩnh viễn Bổn sư, sư ông của chúng con, với tâm niệm phàm phu không làm sao khỏi ngậm ngùi thương nhớ. Kính tiếc vô cùng, khi môn đồ Pháp quyến mất đi một vị Minh sư, Giáo hội mất đi một vị thầy lãnh đạo tài ba đức độ, Phật tử vắng bóng một bậc Tôn sư Đạo hạnh, muốn báo đáp ân sư, nhưng ân sư không còn nữa. Chúng con nhớ rằng, khi còn sanh tiền, Ngài về thăm người trưởng tử của mình ở Tổ đình Hộ Pháp, BR-VT một lần sau cuối của cuộc đời vào năm 1995, rồi từ đó phòng phương trượng nghỉ ngơi Tổ đình Hộ Pháp cũng vắng bóng tôn sư từ dạo ấy.

Kính bạch chư Tôn thiền đức Tăng Ni!

Hôm nay, để tưởng nhớ đến hành trạng và công ơn của Tổ thầy giáo dưỡng, hàng môn đồ Pháp quyến chúng con long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm lần thứ 24 của Tôn sư chúng con. Chúng con nguyện đem công đức cúng dường này, kỳ nguyện Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển, phong điều vũ thuận, quốc thới dân an, hữu tình, vô tình đều lợi lạc.

Chúng con thành kính, kính chúc trên chư tôn Hòa Thượng, chư Thượng Toạ, quý Ni Trưởng, Ni Sư, chư đại đức Tăng Ni, pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, và trong mùa an cư kiết hạ năm Kỷ Mão này tràn đầy hỷ lạc.

Ngưỡng mong Chư Tôn Đức từ bi mẫn nạp lễ mọn cúng dường này cho hàng môn nhơn Pháp quyến chúng con được trượng thừa công đức.

Nam mô Công đức Lâm Bồ Tát ma ha tát.

Ngày 16 tháng 06 năm 2023 (nhằm 29/04/Quý Mão)

Thượng tọa THÍCH NHUẬN NGHĨA kính nghi

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu