Khởi sự hôn nhân, lễ Hằng Thuận đã tạo điều kiện cho cô dâu chú rễ được đảnh lễ chư Phật, được Quy y Tam Bảo, được chư Tăng đứng ra chứng minh hôn sự trong bầu không khí thiêng liêng ngay nơi chánh điện qủa là một diễm phúc, đồng thời được qúy Thầy tận tình hướng dẫn đạo lý vợ chồng trong đời sống hôn nhân như lời đức Phật đã dạy trong kinh Thiện Sanh hay kinh Ca Thi La Việt...
Trọng tâm thời pháp mà quý thầy thường chia sẻ với phật tử trong lễ Hằng Thuận hầu như đều xoay quanh nội dung bản kinh Thi Ca La Việt đức Phật đã dạy về bổn phận và trách nhiệm qua lại giữa người chồng và người vợ. Liên hệ đến hôn nhân và hạnh phúc gia đình, để bảo đảm cho đời sống của gia đình phật tử được hạnh phúc bền vững, đức Phật đã ân cần chỉ dạy:
Người chồng phải có năm bổn phận đối với người vợ:
1. Phải biết tôn trọng vợ
2. Không bất kính hay đối xử tệ bạc với vợ
3. Phải chung thủy, trung thành với vợ
4. Phải tin tưởng giao tài sản tiền bạc cho vợ quản lý
5. Phải sắm đồ nữ trang cho vợ một khi có điều kiện
Đồng thời đức Phật cũng đã dạy người vợ phải làm tròn năm bổn phận đối với người chồng:
1. Phải luôn làm tròn bổn phận trong nhà
2. Phải vui vẻ tử tế với quyến thuộc bên chồng
3. Phải luôn chung thủy với chồng.
4. Giữ gìn cẩn thận đồ trang sức và luôn coi sóc giữ gìn của cải đồ dùng trong nhà.
5. Luôn siêng năng, không bao giờ trút tháo công việc cho người khác.
Mục đích chính của lễ Hằng Thuận là làm thế nào để cho đôi vợ chồng ý thức được tầm quan trọng của nền tảng đạo đức tâm linh trong đời sống gia đình, để từ đó hướng đến một đời sống hôn nhân thật sự an lạc hạnh phúc. Để thực hiện được điều này, trước hết, đôi vợ chồng phải hết lòng yêu thương nhau, chung thủy, tôn trọng, qúy kính lẫn nhau và luôn luôn hòa thuận với nhau, cùng nhau hướng đến những điều thánh thiện và cao thượng trong cuộc sống như hàm nghĩa của hai từ Hằng Thuận đã toát lên.